Cảnh báo thảm họa sập hệ thống ảnh hưởng thời tiết toàn cầu

Dòng hải lưu Đại Tây Dương có thể sụp đổ vào những năm 2030, gây thảm họa đến thời tiết toàn cầu.

Hệ thống hải lưu AMOC ảnh hưởng thời tiết toàn cầu có thể ngừng lưu thông vào cuối những năm 20230. Ảnh: NASA

CNN đưa tin, hệ thống quan trọng trong dòng chảy Đại Tây Dương – hệ thống hải lưu AMOC ảnh hưởng đến thời tiết trên khắp thế giới – có thể ngừng lưu thông vào cuối những năm 2030.

Thảm họa toàn cầu này có thể thay đổi thời tiết và khí hậu. Nghiên cứu mới sử dụng mô hình tối tân cho thấy vụ sụp đổ này có thể diễn ra trong khoảng thời gian từ năm 2037 đến 2064.

AMOC là một hệ thống phức tạp bao gồm nhiều dòng hải lưu, hoạt động giống như một băng chuyền toàn cầu khổng lồ.

Hệ thống này vận chuyển nước ấm từ vùng nhiệt đới về bắc Đại Tây Dương, nơi nước được làm mát, trở nên mặn hơn và chìm sâu xuống dưới đại dương trước khi chảy về phía nam.

Hệ thống dòng hải lưu AMOC đóng vai trò quan trọng trong hệ thống khí hậu, giúp điều hòa các hình thái thời tiết toàn cầu.

Cơ chế này ngăn những khu vực của Nam bán cầu khỏi quá nóng và những khu vực Bắc bán cầu không trở nên quá lạnh, đồng thời phân chia các chất dinh dưỡng nuôi sự sống trong các hệ sinh thái biển.

Ông René van Westen, nhà nghiên cứu về hải dương và khí quyển tại Đại học Utrecht ở Hà Lan và là đồng tác giả của nghiên cứu trả lời CNN rằng, khả năng dòng hải lưu AMOC ngừng lưu thông vào năm 2050 là rất cao.

“Điều này thực sự đáng lo ngại. Tất cả các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu do con người gây ra, chúng vẫn sẽ tiếp diễn, như nhiều đợt nắng nóng hơn, nhiều hạn hán hơn, nhiều bão, lũ lụt hơn. Sau đó, nếu AMOC cũng sụp đổ thì khí hậu sẽ trở nên méo mó hơn nữa” – ông René van Westen nói.

Ngày 3.8.2024, Debby trở thành cơn bão số 4 trong mùa bão Đại Tây Dương 2024. Ảnh: Trung tâm Bão Quốc gia Mỹ

Tác động của sự sụp đổ AMOC sẽ khiến một số vùng trên thế giới không thể nhận ra. Trong một vài thập kỷ sau cuộc sụp đổ, băng ở Bắc Cực sẽ bắt đầu di chuyển về phía nam và sau 100 năm sẽ kéo đến vùng bờ biển phía nam nước Anh.

Nhiệt độ trung bình ở châu Âu sẽ giảm mạnh, cũng như ở Bắc Mỹ – bao gồm cả một số khu vực của Mỹ. Ở rừng Amazon mùa khô trở thành mùa mưa, và ngược lại.

Các nhà khoa học ở Utrecht đã xác định được một khu vực ở Đại Tây Dương phía nam là nơi quan sát tốt nhất những dữ liệu trong dòng chảy. Họ đã xem xét nhiệt độ và độ mặn của đại dương tại đó để củng cố các dự đoán trước đây về khi nào AMOC có thể đạt đến điểm bất ổn.

“Nếu như một năm trước, chúng tôi vẫn cho rằng xác suất hệ thống hải lưu AMOC ngừng lưu thông là rất thấp thì bây giờ câu hỏi là bao giờ sự kiện này sẽ xảy ra”, Stefan Rahmstorf – nhà hải dương học vật lý ở Đại học Potsdam, Đức cho biết.