NDO – Giá vàng thế giới hôm nay (1/4) tiếp tục “phi” lên mức kỷ lục mới, đắt nhất từ trước đến nay, 2.256,7 USD/ounce, khi thời điểm cắt giảm lãi suất dự kiến của Cục Dữ trữ Liên bang ngày càng tới gần và các ngân hàng Trung ương liên tiếp bổ sung vàng vào kho dự trữ. Trong nước, giá vàng miếng SJC tăng lên 81,02 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn cao “chót vót”, tiến sát 71 triệu
c
(Ảnh: Thành Đạt)
Mở cửa phiên giao dịch sáng nay, giá vàng miếng tăng nhẹ, vàng nhẫn tăng lên 70,8 triệu đồng/lượng trong bối cảnh giá vàng thế giới liên tiếp chinh phục các mức đỉnh mới.
Tính đến 9 giờ sáng 1/4, giá vàng DOJI tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh niêm yết ở mức 78,8 triệu đồng/lượng mua vào và 80,8 triệu đồng/lượng bán ra, không đổi so kết phiên trước đó. Chênh lệch mua vào-bán ra ở mức 2 triệu đồng/lượng.
Thống kê giá vàng của Công ty cổ phần Dịch vụ trực tuyến Rồng Việt VDOS – Cập nhật lúc 9 giờ sáng 1/4.
Giá vàng SJC niêm yết mua vào-bán ra ở mức 78,5-81,02 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng chiều mua vào so kết phiên trước đó, chênh lệch mua vào-bán ra lên tới 2,52 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn SJC 9999 liên tiếp leo dốc theo giá thế giới, giao dịch mua vào 69,55 triệu đồng/lượng, bán ra 70,8 triệu đồng/lượng.
Vàng PNJ mua vào ở mức 69,5 triệu đồng/lượng và bán ra mức 70,7 triệu đồng/lượng, không đổi so kết phiên hôm trước.
Giá vàng miếng trong nước đang cao hơn thế giới khoảng từ 13-14 triệu đồng/lượng tùy thời điểm, trong khi vàng nhẫn đắt hơn khoảng 3-4 triệu đồng.
Vào thời điểm 9 giờ sáng 1/4 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới tăng 23,7 USD lên mức 2.256,7 USD/ounce. Đây là mức kỷ lục mới của vàng thế giới tính đến thời điểm này.
Sự gia tăng lịch sử này diễn ra khi các nhà đầu tư tìm đến vàng như một tài sản trú ẩn an toàn trong bối cảnh lo ngại bất ổn kinh tế ngày càng tăng và triển vọng cắt giảm lãi suất.
Bên cạnh đó, việc các ngân hàng Trung ương trên toàn thế giới tiếp tục tích lũy vàng vật chất, cũng là một yếu tố quan trọng góp phần vào sự tăng giá của vàng. Khi các ngân hàng này cường dự trữ, nhu cầu tăng cao sẽ tác động trực tiếp đến giá cả, đẩy kim loại quý lên mức cao chưa từng có.
Giá vàng thế giới sáng 1/4 (giờ Việt Nam) tăng “dựng đứng”, chinh phục kỷ lục mới. (Ảnh: kitco.com)
Thêm vào tâm lý lạc quan, công cụ theo dõi lãi suất FedWatch của CME group cho thấy, 62% khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 6. Lãi suất thấp hơn thường làm đồng USD suy yếu, khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Dự báo cho báo cáo PCE hôm thứ sáu chỉ ra rằng Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) cốt lõi, thước đo lạm phát ưa thích của FED, có khả năng duy trì ổn định ở mức 2,8% so cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lạm phát dự kiến sẽ gia tăng làm dấy lên lo ngại về việc giá cả tiếp tục cao và sự cần thiết phải có thêm hành động về chính sách.
Theo các chuyên gia, với việc các ngân hàng Trung ương đang tiếp tục bổ sung vàng vào kho dự trữ, thời điểm cắt giảm lãi suất của FED ngày càng đến gần và mối lo ngại về lạm phát vẫn tiếp diễn, giá kim loại quý này có thể sẽ tiếp tục tăng trong những tuần và tháng tới.
Theo thống kê của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), hơn nửa thế kỷ qua, giá vàng tính bằng USD đã tăng gần 8% mỗi năm kể từ năm 1971 khi chế độ bản vị vàng của Mỹ sụp đổ. Trong giai đoạn này, lợi nhuận dài hạn của vàng có thể so sánh với cổ phiếu và cao hơn trái phiếu. Kim loại quý này cũng cho thấy ưu thế vượt trội so nhiều loại tài sản khác trong vòng 3, 5, 10 và 20 năm trở lại đây.
Biểu đồ giá vàng trong nước và thế giới 30 ngày qua. (Ảnh: SJC Hà Nội, Kitco News)
Sáng nay, Chỉ số USD-Index ở mức 104,46 điểm; lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đứng yên ở mức 4,210%; giá dầu đi ngang sau tuần tăng liên tiếp, giao dịch ở mức 86,96 USD/thùng đối với dầu Brent và 83,25 USD/thùng đối với dầu WTI.