Một bệnh viện ở TP HCM nhận hơn 300 ca đột quỵ trong 7 ngày Tết

Bệnh viện Nhân dân 115 ghi nhận số lượng bệnh nhân nhập viện dịp nghỉ Tết không thay đổi so với ngày thường. Trong đó, khoảng 15-20% là bệnh nhân trẻ.

300 bệnh nhân đột quỵ đã được Bệnh viện Nhân dân 115 tiếp nhận trong 7 ngày nghỉ Tết. Ảnh minh họa: Chí Hùng.

 

Chia sẻ với Tri thức – Znews, PGS.TS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM), cho biết trong những ngày Tết Giáp Thìn, các ê-kíp trực đã tiếp nhận hơn 300 ca đột quỵ cấp nhập viện.

Đây là con số không nhỏ trong bối cảnh bệnh lý đột quỵ ngày càng có xu hướng gia tăng hiện nay.

Ngày Tết, ca đột quỵ không giảm

“Trong 7 ngày nghỉ Tết, bệnh viện tiếp nhận 300 bệnh nhân đột quỵ. So với ngày thường, số bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ ngày Tết không giảm. Trong số đó, lượng bệnh nhân trẻ tuổi (dưới 45 tuổi) chiếm khoảng 15-20%”, PGS Thắng thông tin.

Trong số các bệnh nhân đột quỵ nhập viện tại Bệnh viện Nhân dân 115, 162 bệnh nhân may mắn phục hồi tốt và được xuất viện ngay trong Tết. Hiện, bệnh viện điều trị cho 195 người bệnh bao gồm những ca nặng từ trước Tết.

Mỗi năm, chỉ tính riêng Bệnh viện Nhân dân 115, tổng số ca đột quỵ cấp nhập viện là 20.000 trường hợp. Thông thường, bệnh viện tiếp nhận khoảng 60 ca đột quỵ/ngày. Tuy nhiên, số giường bệnh tại khoa Bệnh lý mạch máu não luôn duy trì 170 giường, không đủ đáp ứng nhu cầu bệnh nhân.

“Thông thường, bệnh nhân đột quỵ có độ tuổi dao động từ 55-85. Tuổi càng cao, nguy cơ bị đột quỵ càng lớn”, ông nói thêm.

Do đó, các bệnh nhân nhẹ hoặc đã điều trị ổn định sẽ được chuyển sang khoa Thần kinh. Các trường hợp cần xử lý gấp sẽ được chuyển điều trị tại khoa Bệnh lý mạch máu não.

Ca đột quỵ trẻ nhất mới 21 tuổi

Trong số hơn 300 ca đột quỵ được tiếp nhận đợt Tết này tại Bệnh viện Nhân dân 115, trẻ nhất là nam thanh niên mới 21 tuổi, ngụ TP.HCM. Chàng trai bị đột quỵ do xuất huyết não, thể trạng béo phì, thừa cân và tiền căn cao huyết áp.

Hiện bệnh nhân này được chụp lại mạch máu để đánh giá nguyên nhân gây xuất huyết não có liên quan thêm đến yếu tố dị dạng mạch máu hay không.

“Trung bình, số ca xuất huyết não do dị dạng mạch máu rất ít, nhưng chiếm tỷ lệ nhiều ở các bệnh nhân trẻ”, PGS Thắng thông tin thêm.

Chuyên gia này cho hay 90% ca bệnh xuất huyết não liên quan đến tăng huyết áp. Người bình thường, độ tuổi dễ mắc bệnh lý tăng huyết áp là trên 40.

Người dưới 40 tuổi bị tăng huyết áp chiếm tỷ lệ rất thấp. Nguyên nhân chủ yếu là thừa cân, béo phì hoặc có gene gia đình.

Hút thuốc lá là một trong những thói quen gây hại nghiêm trọng cho sức khỏe. Ảnh: Hicksdentalgroup.

Đột quỵ gây ra do tình trạng mạch máu não bị tắc nghẽn đột ngột, khiến các tế bào não chết, mất chức năng thần kinh. Khi tắc nghẽn mạch máu lớn trong thời gian dài, số lượng tế bào não chết với thể tích lớn có thể dẫn đến hiện tượng phù nề, gây ảnh hưởng đến ý thức, hôn mê.

Khi tình trạng nặng hơn và mất thêm nhiều thời gian hơn, hiện tượng chèn ép, gây thoát vị não xuất hiện, ảnh hưởng đến vùng thân não. Đây được xem là tổng chỉ huy của hệ tuần hoàn và hô hấp. Đến lúc này, đột quỵ mới có thể làm cho bệnh nhân tử vong.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống kê đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3, sau bệnh lý tim mạch và ung thư.

Số liệu được công bố tại Hội nghị đột quỵ quốc tế năm 2022 diễn ra ở Hà Nội cho thấy mỗi năm, thế giới có hơn 12,2 triệu ca đột quỵ não mới, trong đó hơn 16% xảy ra ở người trẻ 15-49 tuổi. Về con số tử vong, mỗi năm có tới 6,5 triệu ca với hơn 6% trong số đó là người người trẻ, theo Hội đột quỵ thế giới 2022.

GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Y tế, nhấn mạnh đây là con số đáng báo động, vì nhóm người trẻ tuổi là lực lượng lao động chính của mỗi gia đình và xã hội.

Tại Việt Nam, đột quỵ não là bệnh không lây nhiễm thường gặp. Hàng năm, Việt Nam có khoảng 200.000 ca bệnh đột quỵ. Tương tự các bệnh mạn tính khác, con số này vẫn đang có chiều hướng gia tăng.

Theo PGS Thắng, gánh nặng đột quỵ tại Việt Nam có xu hướng ngày càng gia tăng, trong đó, số bệnh nhân tăng nhanh ở cả 2 giới và độ tuổi.

Việt Nam chưa có nghiên cứu chính thức về số lượng người trẻ bị đột quỵ. Các thống kê của mỗi bệnh viện cũng chưa thể phản ảnh được số liệu trẻ hóa đột quỵ trên toàn quốc. Tuy nhiên, theo cảm quan cá nhân của PGS Thắng, chuyên gia cho rằng trẻ hóa số tuổi các bệnh nhân đột quỵ là có căn cứ.

Theo bác sĩ chuyên khoa I Tạ Vương Khoa, Phó chủ nhiệm khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Quân y 175, trong vài năm gần đây, bình quân cứ 4-5 bệnh nhân đột quỵ nhập viện, một trường hợp là đột quỵ người trẻ. Đây là con số đáng báo động.

Bác sĩ Khoa cho hay thống kê hàng năm cho thấy số lượng người trẻ bị đột quỵ trên thế giới tăng dần đều trong vòng 3 thập niên trở lại đây. Một lý do quan trọng là áp lực công việc ngày càng cao, chế độ nghỉ ngơi không hợp lý, chế độ ăn uống và vận động thiếu khoa học ở người trẻ.

Theo bác sĩ này, thực tế cho thấy rất nhiều người trẻ khá chủ quan, không hề quan tâm tiền sử bệnh lý, bị đột quỵ nhập viện mới ngỡ ngàng khi nghe bác sĩ thông báo mình mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường… trong thời gian dài trước đó.

Các chuyên gia khuyến cáo người trẻ cần thiết lập cho mình môi trường sống thoải mái về tinh thần lẫn thể chất, chế độ ăn uống khoa học (giảm mặn, giảm tinh bột, giảm béo, tăng cường rau xanh và trái cây), tăng thể dục thể thao, không chất kích thích, hạn chế bia rượu. Đặc biệt, mọi người cần nhận thức được tầm quan trọng của việc kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Linh Thùy

Nguồn Znews:https://znews.vn/mot-benh-vien-o-tphcm-nhan-hon-300-ca-dot-quy-trong-7-ngay-tet-post1460509.html