2008 – khi thế giới đang dõi theo Olympic Bắc Kinh như một biểu tượng cho sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc hiện đại, thì trong lòng đất nước này, một bi kịch âm thầm len lỏi qua từng hộp sữa trẻ em – loại thực phẩm được tin tưởng là “khởi đầu sự sống”.
Tháng 7/2008, mười sáu trẻ sơ sinh ở tỉnh Cam Túc của Trung Quốc đã được chẩn đoán mắc bệnh sỏi thận. Ban đầu, các bác sĩ không lý giải nổi vì sao sỏi thận – căn bệnh hiếm gặp ở trẻ nhỏ – lại đồng loạt xuất hiện.
Vào ngày 12 tháng 9 năm 2008, một người phụ nữ ở Thạch Gia Trang tên Gu Shixiang đã đưa đứa con vừa trải qua ca phẫu thuật sỏi thận của mình đến Tập đoàn sữa Sanlu với mong muốn mọi chuyện được làm sáng tỏ (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Nhưng rồi, sự thật dần hé lộ: tất cả những đứa trẻ này đều uống cùng một loại sản phẩm – sữa bột nhiễm melamine.
Melamine – chất độc trong vai dinh dưỡng
Để chạy đua đáp ứng lượng sữa ngày càng cần gia tăng, người nông dân nước này đã tìm cách “hô biến” lượng sữa ít ỏi cung cấp bởi đàn bò không được chăm sóc kỹ lưỡng bằng cách pha loãng sữa với nước để làm tăng thể tích sữa bán ra khoảng 30%.
Tuy nhiên, pha loãng sữa đồng nghĩa với việc làm giảm hàm lượng chất dinh dưỡng có trong sữa, đặc biệt là protein. Điều này cũng có nghĩa giá sữa sẽ bị giảm đi.
Đây chính là lúc mà chất độc melamine được sử dụng.
Chính quyền đã thu giữ melamine dạng bột màu trắng trong nhà kho (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Melamine là chất hóa học công nghiệp, thường dùng để sản xuất nhựa và vật liệu xây dựng. Nhưng khi đưa vào sữa, melamine giúp “đánh lừa” các cuộc kiểm tra chất lượng bằng cách tăng giả tạo lượng protein thông qua hàm lượng nitơ cao mà nó chứa.
Nói cách khác, sữa có thể bị pha loãng đến mức vô dụng, nhưng vẫn vượt kiểm tra như thể đang đầy đủ dưỡng chất.
Năm 2008, gần 200 tấn sữa bột Sanlu chứa melamine bị niêm phong lâu ngày đã bị tiêu hủy tại nhà máy đốt rác thải đô thị Thượng Hải (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Kẻ trộn melamine biết điều đó. Các nhà sản xuất sữa biết điều đó. Một số quan chức kiểm định cũng có thể đã biết – nhưng không ai ngăn chặn. Thay vào đó, loại “sữa giả” ấy tiếp tục được tung ra thị trường, được quảng bá rầm rộ với những lời hứa về “phát triển toàn diện”, “tăng cường trí tuệ” – và tồi tệ hơn, được dùng để nuôi sống hàng triệu trẻ em sơ sinh mỗi ngày.
300.000 nạn nhân, 53.000 trẻ mắc bệnh và 6 cái chết
Theo thống kê chính thức, có hơn 300.000 trẻ em Trung Quốc bị ảnh hưởng do tiêu thụ sữa nhiễm melamine. Trong đó có gần 53.000 trẻ em đã bị bệnh, hơn 12.800 trẻ phải nằm viện và 6 trẻ tử vong với nguyên nhân là sỏi thận và suy thận.
Hàng loạt phụ huynh đưa trẻ đến bệnh viện khám khi gặp các vấn đề về thận khiến các cơ sở y tế rơi vào tình trạng quá tải (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Kệ sữa rỗng tại một siêu thị ở Trung Quốc sau vụ bê bối
Thương hiệu đứng đầu bê bối là Sanlu – một trong những tập đoàn sữa lớn nhất Trung Quốc lúc bấy giờ. Không chỉ Sanlu, nhiều thương hiệu “quốc dân” khác cũng bị phát hiện nhiễm độc, như Mengniu, Yili, Yashili… khiến niềm tin của người tiêu dùng sụp đổ.
Vụ việc vỡ lở, Sanlu phá sản, hàng loạt nhà máy sản xuất sữa bị đóng cửa. Hơn 60 người bị bắt giữ. Giám đốc điều hành của Sanlu – bà Thi Triệu Lâm (Tian Wenhua) – bị kết án tù chung thân. Hai người khác lĩnh án tử hình.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, vấn đề cốt lõi – sự buông lỏng quản lý, tham nhũng và thiếu minh bạch – vẫn chưa được xử lý triệt để.
Geng Jinping, một nhà cung cấp sữa, đã trực tiếp thêm melamine để tăng hàm lượng protein trong sữa. Khi bị xét xử với tư cách là kẻ chủ mưu, ông ta đã quỳ xuống trước tòa và bày tỏ sự ăn năn (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Số lượng hồ sơ vụ án xếp chồng
Trước đó, Trung Quốc từng chứng kiến những vụ sữa giả gây chết người, như vụ “sữa đầu to” khiến 13 trẻ sơ sinh thiệt mạng năm 2004. Nhưng nhiều người cho rằng, chính phủ nước này khi ấy đã không hành động quyết liệt – cho đến khi thiệt hại lan ra tầm quốc tế.
Hơn 40 quốc gia đã lập tức cấm nhập khẩu sữa Trung Quốc. Nhiều nước trong đó có Việt Nam phải thu hồi khẩn cấp các sản phẩm liên quan. Sản phẩm của Yili – một trong các công ty sữa lớn – bị phát hiện nhiễm melamine tại Việt Nam vào thời điểm đó.
Sự khủng hoảng của niềm tin
Vụ bê bối năm 2008 đã tạo ra cơn khủng hoảng niềm tin chưa từng có với thực phẩm “Made in China”. Từ đó, nhiều phụ huynh Trung Quốc chuyển sang săn lùng sữa ngoại nhập, gây ra tình trạng khan hiếm sữa ở một số quốc gia như Úc, New Zealand, Hồng Kông… Thị trường xách tay sữa bùng nổ, xuất hiện cả “chợ đen” chuyên buôn lậu sữa bột cho trẻ em từ nước ngoài về Trung Quốc.
Không những vậy, nhiều phụ huynh thậm chí còn mất niềm tin vào ngành y tế trong nước và thậm chí cho rằng bác sĩ đã “thỏa hiệp” với doanh nghiệp trong việc chẩn đoán và điều trị cho con họ. Tổ chức Y tế Thế giới gọi đây là một trong những sự kiện an toàn thực phẩm nghiêm trọng nhất của thế kỷ 21.
Bệnh nhi chẩn đoán mắc sỏi tiết niệu được điều trị Bệnh viện Nhi tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Dưới sức ép quốc tế và làn sóng giận dữ trong nước, chính phủ Trung Quốc đã tiến hành một cuộc cải tổ toàn diện trong ngành công nghiệp sữa và thực phẩm:
– Năm 2009, Ban hành Luật An toàn Thực phẩm sửa đổi, siết chặt quy trình kiểm nghiệm, yêu cầu minh bạch chuỗi cung ứng và tăng mức phạt với vi phạm.
– Tháng 3 năm 2013, Thành lập Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Quốc gia (CFDA) – một cơ quan cấp cao, tách biệt với các đơn vị địa phương, nhằm tránh tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”.
– Khuyến khích đầu tư mạnh vào công nghệ kiểm nghiệm và quản lý chất lượng.
– Mở rộng thị trường sữa hữu cơ, sữa nội địa chất lượng cao để cạnh tranh với hàng ngoại nhập.
Tuy nhiên, niềm tin người tiêu dùng vẫn chưa thực sự hồi phục hoàn toàn. Ngay cả khi thị trường sữa Trung Quốc đang phát triển trở lại mạnh mẽ (trở thành thị trường sữa lớn nhất thế giới tính đến 2023), thì thói quen “chỉ uống sữa ngoại” vẫn còn tồn tại ở nhiều gia đình có điều kiện của quốc gia này.
Một đất nước có thể trỗi dậy bằng sức mạnh kinh tế, công nghệ, hay thể thao. Nhưng nếu nền công nghiệp thực phẩm không thể bảo đảm sự sống an toàn cho những đứa trẻ – thì đó không phải là phát triển, mà là sự thất bại tàn nhẫn nhất.
Nguồn: Tân Hoa Xã, stheadline, Forbes
Nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/be-boi-sua-bot-gay-rung-dong-toi-ac-kinh-hoang-khien-300-000-tre-em-trung-quoc-bi-dau-doc-va-cai-gia-dat-phai-tra-sau-ca-thap-ky-a526802.html