Có những đứa trẻ, từ bé đã rất khác biệt. Không phải vì chúng quá giỏi, quá thông minh, mà là vì chúng khiến người lớn cảm thấy yên tâm, ấm lòng và dễ chịu . Ai trong nhà mệt, chúng là người đầu tiên nhận ra. Cuộc sống có bận rộn đến đâu, chúng cũng không làm phiền thêm. Bạn chưa kịp mở lời, chúng đã chủ động giúp đỡ.
Người ta thường gọi đó là “đứa trẻ báo ân”.
Nghe thì có vẻ là câu nói đùa, nhưng nếu thật sự gặp được một đứa trẻ như vậy, ai chẳng thấy đó là may mắn lớn nhất của gia đình?
Ông bà xưa có câu: “Có đứa trẻ đến để đòi nợ, có đứa đến để trả tình” . Vậy những đứa trẻ “báo ân” thường có gì đặc biệt?
1. Biết yêu thương, biết cảm ơn
Bạn đã từng gặp kiểu trẻ con như thế này chưa?
Ít nói, nhưng rất tinh tế. Trời trở lạnh là chủ động lấy áo cho bà. Tan học về nhà, chưa kịp kêu đói đã hỏi ông bà có mệt không. Ai trong nhà ốm, em còn lo lắng hơn cả người lớn.
Một bà cụ hàng xóm kể rằng cháu trai bà mới học lớp 5, bà từng bị ngã đau chân, con cái thì đi làm cả ngày. Tối đến, thằng bé đi học về là chủ động xoa bóp cho bà, còn lấy khăn nóng đắp lên chân.
Bà bảo: “Tui chưa từng dạy nó chuyện đó, nó tự nghĩ ra, chắc là thương tui thật”.
Những đứa trẻ như vậy, không ai dạy mà đã biết cảm ơn, biết yêu thương người bên cạnh.
Một bé gái lớp 4 từng nói với mẹ: “Mẹ ơi, con nghe bạn kể mẹ bạn đi bốc gạch ngoài công trường. Tự nhiên con thấy mẹ ngày nào nấu cơm, giặt giũ cũng vất vả lắm. Sau này con sẽ bớt tiêu tiền, cũng không hay làm mẹ giận nữa”.
Lời ấy tuy nhỏ, nhưng nghe vào tim thì ấm biết bao nhiêu. Thật ra, lời nói ấy không phải ngẫu nhiên , mà là do em đã thấy và cảm nhận được tình yêu thương từ hành động hàng ngày của mẹ.
Ảnh minh họa
2. Tự giác, biết điều, không để cha mẹ lo lắng
Ở thời đại cha mẹ nào cũng chăm lo cho con từng li từng tí thì việc đứa trẻ biết tự giác sẽ trở thành niềm hạnh phúc to lớn.
Có những đứa trẻ không cần nhắc, không cần ép, tự biết phải làm gì. Con gái chị đồng nghiệp tôi đang học cấp 2, ở ký túc xá. Cuối tuần về nhà, cô bé sẽ tự chia thời gian học: sáng học Toán, chiều luyện Tiếng Anh, tối đọc sách.
Khi mẹ bé định sắp xếp thêm lớp học, em đã nói: “Mẹ yên tâm, con tự lên lịch hết rồi”.
Những đứa trẻ như vậy chưa chắc đã là những đứa trẻ thông minh vượt trội, thế nhưng chúng biết điều, biết làm chủ bản thân, và đó mới là điều khiến cha mẹ yên tâm nhất.
Ngược lại, cũng có những đứa trẻ suốt ngày phải nhắc làm bài, đêm cắm đầu vào điện thoại, học hành bê bết, giáo viên gọi điện liên tục khiến cả nhà rối tung.
Một đứa trẻ “báo ân” thực sự, không nhất thiết phải học giỏi, mà là có giới hạn trong lòng, biết cái gì nên làm và cái gì không nên làm để giúp bố mẹ nhẹ gánh lo âu. Đằng sau những đứa trẻ như vậy, luôn là một môi trường nuôi dạy tinh tế, không kiểm soát quá mức nhưng đầy yêu thương.
3. Có tinh thần trách nhiệm như người lớn
Có những đứa trẻ, tuổi còn nhỏ mà hành xử như người lớn .
Một người bà kể rằng, cháu ngoại của bà sống với bà ở thị trấn, bố mẹ em làm ăn xa. Cậu bé mới 13 tuổi, mà hễ trong nhà có gì hỏng là tự tìm cách sửa: từ toilet đến máy giặt, TV. Một lần bà chóng mặt suýt ngất, chính thằng bé là người đỡ bà và gọi hàng xóm đến giúp.
Hàng xóm bảo: “Nó còn bình tĩnh hơn cả người lớn”.
Trách nhiệm – không phải do ai bắt ép, mà là tự em cảm thấy mình phải làm. Em coi ngôi nhà này là một phần trách nhiệm của mình. Gặp chuyện không tránh né, không đùn đẩy, không chờ ai cả. Khi bố mẹ không ở nhà, em sẵn sàng đứng ra thay họ.
Đáng ra ở tuổi này, em không cần gánh gì hết. Nhưng em tình nguyện gánh vác. Không phải vì ai dạy, mà là trách nhiệm ăn sâu trong máu .
Những đứa trẻ như thế, chỉ cần nhắc tên thôi, đã thấy xúc động đến rơi nước mắt . Vì ngoài việc khiến bạn yên tâm, chúng còn khiến bạn thấy được hy vọng và ấm áp.
Ảnh minh họa
Muốn nuôi một đứa trẻ “báo ân”, phải làm gì?
Thật ra, không khó. Hãy thử làm những điều sau đây:
– Coi con là thành viên trong nhà, chứ không phải “dự án cần quản lý”
Thay vì ra lệnh, hãy để con được tham gia, được đóng góp. Ví dụ: “Con giúp mẹ dọn bát nha, mình sắp ăn cơm rồi!” Khi con cảm thấy mình là một phần của gia đình, con sẽ chủ động hơn trong mọi việc.
– Tập nói “cảm ơn” mỗi ngày
Thay vì bắt con “phải biết cha mẹ khổ cực”, hãy bắt đầu bằng một câu “cảm ơn con” thật nhẹ nhàng mỗi khi con làm điều gì đó. Từ đó, trẻ sẽ học cách biết ơn một cách tự nhiên.
– Cho phép con được sai, để học cách chịu trách nhiệm
Khi con mắc lỗi, đừng vội la mắng. Hãy nói: “Không sao, mình cùng dọn nhé, lần sau nhớ cẩn thận hơn”. Trẻ sẽ hiểu: sai không đáng sợ, trốn tránh trách nhiệm mới là điều không nên.
Con bạn có mang “tố chất báo ân” không? Chỉ cần có 1 điều trong 3 điều trên, bạn đã là người may mắn lắm rồi đấy!
Nguồn: https://afamily.vn/